Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Người phụ nữ tự đẩy lùi tế bào ung thư sau 3 tháng ngồi thiền

Người phụ nữ tự đẩy lùi tế bào ung thư sau 3 tháng ngồi thiền
(LĐĐS) - SỐ 29 NHƯ NGUYỆT -
Chị Nguyệt ngồi thiền đều đặn mỗi ngày.Chị Nguyệt ngồi thiền đều đặn mỗi ngày.
Cứ ngỡ rằng mình viêm cơ đùi nhưng trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện chị mang khối u ác tính. Sau nhiều lần xạ trị, hóa chất đã không còn tác dụng nên chị được bệnh viện trả về. Chị tuyệt vọng nghĩ đến cái chết và giấu gia đình tự chuẩn bị ảnh thờ cho mình. Tưởng rằng số phận đã được định đoạt thì cơ duyên đưa chị đến với thiền. Rồi niềm tin và nghị lực đã giúp chị viết nên kỳ tích sau 3 tháng luyện tập…
Chuẩn bị di ảnh chờ ngày chết
Chị Phạm Minh Nguyệt (38 tuổi, số nhà 102 Đông Trì, phường Trần Phú, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là chị cả trong gia đình có 4 chị em, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội chị về công tác tại Viện Kiểm soát Nhân dân TP.Móng Cái. Công việc ổn định, chị lập gia đình với một chàng trai công tác cùng thành phố. Cuộc sống hạnh phúc càng viên mãn hơn sau khi chị sinh 2 cô con gái.
Tháng 10.2012, trong một lần tập thể thao, chị Nguyệt phát hiện cơ đùi bên phải bị đau nhức. Chị xuống bệnh viện thành phố khám thì bác sĩ kết luận chị bị viêm cơ đùi và kê đơn thuốc điều trị. Về nhà, vừa uống thuốc đến ngày thứ hai, chẳng những bệnh không hết mà khắp người chị bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Chị lặn lội đến Hà Nội khám lại và được bác sĩ kết luận ở cơ đùi có một khối máu tụ. 
Do kết quả khám bệnh hai nơi khác nhau, chị đến Bệnh viện 103 khám lại lần nữa. Kết quả như lần trước, bác sĩ ở đây cũng chuẩn đoán chị bị khối máu tụ dưới cơ đùi và khuyên chị phải mổ. Chị đồng ý làm phẫu thuật và đến tháng 1.2013, ca phẫu thuật tiến hành đúng theo lịch định. Cứ nghĩ lên bàn mổ là sẽ điều trị dứt điểm được căn bệnh, nào ngờ đây chỉ là khởi đầu của những bất hạnh về sau của chị.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong khối máu tụ ở chân chị Nguyệt có một khối u màu trắng. Khi tiến hành xét nghiệm mới biết khối u được tạo thành từ các tế bào ung thư sarcomma. Chị nằm viện khoảng 10 ngày và trở về nhà ăn tết trong nỗi bất an khôn tả. Ngày mùng 8 Tết, chị vào Bệnh viện K Hà Nội để tiến hành điều trị bằng hóa chất. Sau 4 tháng điều trị, bác sĩ cho chị về nhà nghỉ ngơi và hẹn đến tháng 8.2013 kiểm tra lại. Đúng hẹn, chị đến Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K Hà Nội khám thì nhận được kết quả khối u ở chân chị có dấu hiệu tái phát dù đã được phẫu thuật và xạ trị.
Đau lòng hơn khi chị được thông báo rằng các tế bào ung thư lúc này đã có dấu hiệu di căn qua phổi. Bệnh viện đưa ra cho chị hai sự lựa chọn: Một là nằm viện điều trị, hai là về nhà uống thuốc nam, tất nhiên bác sĩ cũng cho biết hai lựa chọn này đều không mang lại kết quả chắc chắn. 
Mất niềm tin vào bệnh viện và thuốc tây, chị Nguyệt về nhà dùng các bài thuốc thảo mộc với hi vọng mong manh. Sau một tháng dùng thuốc, không thấy tiến triển gì, đầu tháng 11.2013 chị vào Bệnh viện K tái khám. Kết quả, khối u ở chân vẫn tái phát và di căn qua phổi. “Bác sỹ bảo phổi tôi có nhiều vết nám, mờ; vết to nhất có kích thước 5x4cm, điều đó có nghĩa tôi đã bị ung thư phổi. Bác sĩ chỉ định dùng hóa chất để điều trị, dù không muốn sống với thuốc nữa nhưng tôi chẳng biết làm gì khác…”, chị Nguyệt bùi ngùi nhớ lại.
Sau 5 đợt truyền hóa chất, chị đã cảm thấy bớt tức ngực, khó thở. Thế nhưng, đến lúc này bác sĩ đành phải dừng lại với lý do hóa chất không còn tác dụng chị. Kiểm tra lại thì bệnh tình vẫn không có gì thay đổi nên các bác sĩ khuyên chị về nhà tự điều trị. Chị hiểu rằng mình đang bị trả về và cảm thấy mọi thứ với như sụp đổ trước mắt. Rời bệnh viện, chị đi lang thang, thất thểu trên những góc phố, lặng lẽ khóc cho phận mình hẩm hiu. 
Nghĩ đến cảnh một ngày không còn sống nữa, chị dành thời gian đi gặp bạn bè, người thân lần cuối. Chị còn chụp cho mình một bức chân dung giấu ở cơ quan, để trước lúc mất, gia đình có ảnh mang về thờ tự. Mẹ chị biết chuyện cũng đau lòng vô cùng nhưng chẳng biết làm gì hơn, đành lên chùa xin đặt trước pháp danh cho con để sau này thờ cúng.
Ngồi thiền tự đẩy lùi tế bào ung thư
Thông qua một người quen, chị Nguyệt biết được lớp học trường sinh học của bà Hồ Thị Thu ở thôn Hội Vân (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Trong cảnh bế tắc không lối thoát, chị coi đây như một tia sáng cuối cùng cứu vớt đời mình. Tháng 4.2014, chị được chồng đưa vào miền Trung theo học thiền. 
“Ngày đầu vào Bình Định, tôi được cô Thu động viên an ủi rất nhiều. Cô khuyên tôi hãy quên hết tất cả mọi thứ để lo cho bản thân mình. Mọi người xung quanh ai cũng cảm thông, khích lệ. Chính sự quan tâm đó cùng với nghị lực bản thân mà tôi quyết theo học…”, chị Nguyệt xúc động nói.
Sau một tuần học lý thuyết về môn học năng lượng trường sinh học và cách ngồi thiền, chị Nguyệt bước vào luyện tập. Mỗi ngày, chị ngồi thiền đến 8 giờ đồng hồ với 3 lần tập vào các buổi sáng, trưa, chiều. Đau đớn đến tột cùng là cảm giác mà chị Nguyệt chia sẻ về những gian khó trong quá trình luyện tập. 
Chị Nguyệt kể: “Vừa đặt chân đến nơi tôi đã phải cố gắng thích nghi với cái nóng như thiêu như đốt của miền Trung. Khổ nhất là việc ngồi thiền, ngồi bất động một chỗ khiến vết thương ở chân đau nhức đến tê dại. Tôi cảm nhận rõ rệt như có hàng trăm con kiến đua nhau đốt vào xương thịt mình. Cơn đau này vừa dứt thì cơn đau khác lại ập đến, lúc thưa thớt, lúc dồn dập làm tôi chịu đựng trong vật vã…”.
Kiên trì tập luyện với nguyên tắc “tập đúng, tập đều, tập đủ”, bệnh tình của chị có những biến chuyển rõ rệt. Kể về những kết quả ban đầu, chị Nguyệt không giấu được niềm vui: “Trước đây, tôi bị viêm xoang, điều trị thế nào cũng không bớt. Nhưng vào đây tập được 2 tuần thì bệnh xoang mũi của tôi không còn nữa. Mắt tôi trước đây bị cận đến 2 độ phải đeo kính nhưng thị lực giờ đã được cải thiện rất nhiều. Ngay cả trí nhớ bị giảm sút trong quá trình hóa trị giờ cũng được phục hồi đáng kể. Vui nhất là mái tóc tôi trước đây bị rụng sạch vì hóa chất nay đã mọc trở lại, tôi không phải dùng đến tóc giả nữa”.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì người phụ nữ này đạt được sau hơn 3 tháng ngồi thiền. Ngày 19.7 vừa qua, chị Nguyệt đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khám thì nhận được kết luận, các vết mờ, nám ở phổi không còn nữa, điều đó đồng nghĩa với việc phổi chị hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. 
“Ban đầu nhận được kết quả khám bệnh tôi không thể nào tin được nên đã trực tiếp nhờ vị trưởng khoa ung bướu xem bản chụp phim. Ông ấy xem đi xem lại rồi nói tôi không hề bị ung thư phổi. Tôi vẫn chưa tin nên sau đó lại đưa hình ảnh cho phó trưởng khoa xem thì ông ấy cũng nói hệt như vậy. Tôi vẫn còn chút hoài nghi nên đưa cho hai bác sĩ khác trong khoa xem và họ cũng kết luận phổi tôi không có bất cứ tổn thương gì…”.
Có được kì tích sau hơn 3 tháng đến với môn học năng lượng trường sinh học, chị Nguyệt càng chăm chỉ luyện tập. Những cơn đau ở chân vẫn thường tìm đến nhưng chị không hề nao núng mà lặng lẽ vượt qua. Vì hoàn cảnh gia đình, chị dự định thời gian tới sẽ về nhà tự luyện tập. Chị tin rằng khi bản thân đã đẩy lùi được tế bào ung thư ở phổi thì chị cũng sẽ từng bước khắc chế được khối u ở chân.
Chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, chị Nguyệt tâm sự: “Lần đầu nghe nói đến môn học và tấm gương của cô Thu bị ung thư giai đoạn cuối tự chữa bớt bệnh tôi cũng hoài nghi. Sau này, được gặp cô bằng xương bằng thịt, tôi mới dám tin, nghĩ rằng cô và mọi người làm được thì mình cũng làm được nên tôi quyết theo môn học này. Bản thân tự đẩy lùi tế bào ung thư ở phổi, bây giờ tôi đã lấy lại niềm tin cuộc sống. Tôi sẽ tiếp tục luyện tập để được sống và trở về với mái ấm của mình!”.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Hội ngộ Đất - Người Hồng Lam Thủ khoa Bách khoa TP.HCM: 12 năm nhịn ăn sáng

THỨ NĂM - 24/07/2014 09:27 - ĐÃ XEM: 3519 
Suốt 12 năm học, Cường không biết đến ăn sáng. Nhà nghèo, chàng trai đất Hà Tĩnh phải quần quần việc đồng áng sau giờ học nhưng Cường vẫn học giỏi, là thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM.

Trần Văn Cường (THPT Trần Phú, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) thi ngành Kỹ thuật cơ - điện tử, điểm Toán 9; Lý 9,25 và Hóa 10 điểm. Với tổng điểm 28,5, Cường là thủ khoa của ĐH Bách khoa TP.HCM.

Nhà nghèo hiếu học  

Hay tin cậu con trai út (gia đình Cường có 5 anh chị em) đậu thủ khoa, bà Nguyễn Thị Trung (57 tuổi) vội bỏ việc ngoài đồng về nhà. Căn nhà đơn sơ, chỉ có cái ti vi cũ và chiếc xe đạp là quý bỗng rộn ràng niềm vui. “Tôi nghe tin cháu thủ khoa mà mừng rớt nước mắt. Tôi nông dân ít học, các con lớn thì cũng vào Nam làm công nhân. Chỉ có Cường là học giỏi, là niềm hy vọng của cả nhà”. 


Trần Văn Cường, thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM.

Bản thân Cường chia sẻ niềm vui nhưng không bất ngờ. “Thi xong em tính cũng được 28 điểm, và nghĩ nếu may mắn chút thì mình sẽ trở thành thủ khoa”, Cường chia sẻ.

Nói về cuộc sống gia đình, bà Trung sụt sùi nước mắt: “Nhà tôi nghèo, chỉ có 4 sào ruộng nên chẳng khi nào đủ ăn. Một ngày tôi thu nhập chưa đến vài chục ngàn. Chồng thì bị bệnh, không lao động được nên một tay tôi cáng đáng cả nhà. Hiện tại thì nhà vẫn đang nợ tiền ngân hàng”.

Gia đình của Cường thuộc diện nghèo trong xã Trung Lễ. Bố em đau ốm liên miên và mắc bệnh mất trí nhớ nên chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc. Mẹ Cường thời gian đi làm ruộng còn đi gặt lúa, cắt cỏ thuê. Cả gia đình chỉ nuôi mấy con gà, quý giá nhất là con bò. Cố gắng lắm mới đủ gạo ăn chèo chống qua ngày. Các anh chị của Cường đã trưởng thành, chủ yếu đi làm công nhân ở miền Nam, đồng lương eo hẹp không giúp gì được cho bố mẹ và em.

Hiểu hoàn cảnh vất vả, sự chắt chiu của mẹ nên Cường luôn cố gắng học thật giỏi. Chàng thủ khoa học giỏi nhất là môn Toán. Năm lớp 12, cậu được giải 3 Toán cấp quốc gia, suốt 12 năm liền học sinh giỏi. Từ năm lớp 8, Cương đều giữ chức vụ lớp phó học tập của lớp. 


Cường và mẹ bên căn nhà đơn sơ.

Thầy Phan Đăng Nhân, phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Tôi tiếp xúc với Cường từ năm lớp 10 và thấy em học đều các môn, đặc biệt có tố chất môn Toán. Không chỉ học giỏi, mà trong lớp Cường rất hoạt bát, hòa đồng, tham gia nhiều phong trào nhất là các giải bóng đá của trường”.

Chàng thủ khoa không ăn sáng 

Theo lời thầy Nhân, vì nhà Cường rất nghèo nên nhà trường đã miễn học phí, vận động giúp đỡ gia đình em. “Có nhiều khi em không đủ áo ấm để mặc, sách vở cũng thiếu thốn. Vừa rồi, nhà trường cũng đã lo cho em được chiếc xe đạp để tiện đi lại”, thầy Nhân cho hay.

Nói về Cường, bà Trung buồn rầu kể: “Tôi thương cháu lắm, đi học về lại quần quần phụ mẹ lo đồng áng. Bữa ăn thì thiếu thốn, chủ yếu là rau nhà trồng được nên thân hình chỉ có 45 cân. Thương nhất là suốt 12 năm đi học, Cường không biết bữa sáng là gì. Tôi tủi cho cháu nên hay động viên con cố gắng chịu đựng”. 


Sau giờ học, Cường phụ gia đình việc đồng áng.

Như để thanh minh cho lời của mẹ, Cường nói: “Thực ra có nhiều hôm cũng có cơm nguội nhưng do em nhịn ăn sáng quen rồi nên không quen ăn cơm. Bạn bè hay gọi em là “kim”, chắc do em nhỏ như cây kim”. Với chàng thủ khoa, việc học chỉ chiếm một phần. Cậu thường học bài vào buổi tối, còn sau giờ học thì lại dắt bò ra đồng, có khi thì gặt lúa, phơi thóc. Bữa nào đi học về sớm, Cường lại hái rau để nấu ăn.

Cường chọn thi vào ngành Kỹ thuật cơ - điện tử. Lý do chọn vì thấy mình hợp với điện tử, ở nhà Cường cũng hay sửa các món đồ điện gia dụng. “Ngoài ra em thấy ngành này vẫn thiếu nhân lực. Em chọn trường ở TP.HCM vì có anh chị ở trong đó”, chàng trai chia sẻ.

Đằng sau niềm vui thủ khoa, là cả một nỗi lo chuyện ăn học sắp tới của Cường của người mẹ nghèo đất Hà Tĩnh. Dù vậy, bà khẳng định vẫn sẽ phải cố gắng để cho cậu con trai út được ăn học tới nơi tới chốn. “Dù khó đến mấy tôi cũng cố lo cho con”, người mẹ nghèo bộc bạch.