Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Người Sài Gòn tử tế - Bài 2: Anh thợ nghèo ‘lo’ xe đạp cho HS

Người Sài Gòn tử tế - Bài 2: Anh thợ nghèo ‘lo’ xe đạp cho HS

(PL)- Sống chật vật ở nhà trọ nhưng hơn 10 năm nay người thợ sửa xe máy Lê Văn Thái vẫn dành dụm mua phụ tùng xe đạp cũ lắp ráp, tân trang thành hàng ngàn chiếc xe đạp mới tặng học sinh nghèo.
Hơn 20 năm trước, một cậu bé rời làng quê nghèo miền Trung vào Sài Gòn “kiếm đường làm ăn”. Cậu luôn ước mơ có một chiếc xe đạp để rút ngắn quãng đường mưu sinh. Thời gian qua đi, cậu bé trở thành người thợ sửa xe máy ở con đường nhỏ của Sài Gòn. Cuộc sống riêng còn khó khăn nhưng khi nhớ lại ước mơ về chiếc xe đạp thuở nhỏ, anh cố gắng xoay xở để có chiếc xe đạp tặng cho những đôi chân mòn dép vì phải đi bộ nhiều giống mình thuở nhỏ.
Từ giấc mơ “Phượng Hoàng”
Anh Lê Văn Thái hào hứng kể ước mơ mang hình chiếc xe đạp thời nhỏ của mình: “Ngày nhỏ, mơ ước lớn nhất của Thái là có chiếc xe đạp Phượng Hoàng chạy cho oai và đỡ mỏi chân. Cha mẹ Thái không hứa nhưng Thái biết cha mẹ nhắm vào đàn vịt đang đông dần lên để mua xe cho con. Thái rất vui, nghĩ chiếc xe đạp trong tầm tay mình rồi, chờ đàn vịt đông lên xíu nữa thôi. Thái gặp đứa bạn nào cũng khoe: “Tao sắp có Phượng Hoàng cưỡi rồi”. Nhưng một ngày, anh của Thái đang chăn vịt ngoài đồng thì bỗng đàn vịt lăn ra chết sạch. Nó là toàn bộ cơ nghiệp của gia đình Thái. Anh của Thái sợ đến nỗi không dám về nhà mà nhảy xe vào Sài Gòn. Phần Thái lúc đó chưa hiểu hết nỗi buồn trắng tay của gia đình. Thái chỉ thấy hụt hẫng vì biết là giấc mơ xe đạp còn xa lắm, mình còn phải đi bộ lâu lắm. Buổi tối, ngủ mớ Thái còn thấy chiếc xe đạp hóa thành con Phượng Hoàng vỗ cánh bay đi, Thái khóc sướt mướt.
Không lâu sau, Thái vào Sài Gòn học nghề sửa xe đạp. Mỗi ngày lội bộ 5-6 cây số đi học nghề. Trời ơi, Thái lại càng ao ước có cái xe đạp. Cuối cùng anh của Thái cũng chắt bóp mua được cho Thái chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Ban ngày Thái đạp xe đi học nghề, tối về dựng xe giữa phòng trọ lau chùi cho sạch sẽ, sáng bóng mới thôi”.
Tưởng rằng khi đạt được ước mơ và trưởng thành, người ta sẽ xếp nó vào dĩ vãng như một ký ức đẹp. Bỗng một ngày, khi đã thành nghề thợ sửa xe máy, anh Thái nghe phòng trọ kế bên có giọng cô sinh viên thỏ thẻ xin mẹ mua cho chiếc xe đạp. Nhà nghèo nên người mẹ không có tiền mua xe cho con. Không nói ra nhưng anh Thái dặn lòng: “Chú sẽ kiếm cho con một chiếc xe đạp”.
Rồi Thái sang các vựa ve chai mua lại từng cái pêđan, con ốc, cái yên xe… lắp ráp cả tháng trời mới đủ các bộ phận của một chiếc xe. Anh sơn xịt cho xe cái áo mới rồi tặng cô bé sinh viên nọ. Từ đó Thái biết thêm nhiều người nghèo có giấc mơ xe đạp giống anh thuở nhỏ và hành trình tặng xe đạp cứ thế nối dài…
Gia đình anh Thái quây quần trong tiệm sửa xe chật hẹp. Ảnh: TRÀ GIANG
Mạnh thường quân mang dép nhựa
Ban đầu anh Thái để ý các khu lao động nghèo, khu xóm trọ quanh nơi anh ở có em học trò nào nghèo, cần xe đạp thì đem tới tận nơi tặng. Anh còn dặn con trai đến trường hỏi bạn nào cần xe đạp. Anh Thái nhớ lại: “Có lần hai cha con đạp hai chiếc xe đạp tới nhà người bạn cùng trường của con để tặng xe. Trên đường về, con trai tôi đưa ngón tay cái lên cho tôi nói: “Ba tuyệt vời lắm á!”. Rồi con trai kể: Các bạn ở lớp con nói ba của bạn H. là người tốt. Chú ấy tặng xe đạp cho các bạn nghèo. Tôi nghe rất cảm động. Tôi thấy mình không có nhiều tiền bạc cho con mình nhưng con tôi vẫn có thể tự hào về tôi”.
Thấy anh làm việc tốt, có người dư xe đạp đem tới tặng anh. Anh thật thà kể: “Có người tặng một lúc ba chiếc xe đạp kèm theo 1 triệu đồng, nói lấy tiền đó sửa sang cho mấy chiếc xe đẹp lên. Nhưng mà sửa sang đâu có hết số tiền đó. Thái lại tặng tiền đó cho một người bệnh trong nhà thương Chợ Rẫy”. Dần dần mọi người biết đến những chiếc xe anh tự lắp ráp, có người đến tận nơi xin xe, có người tới mua. Nhưng anh không bán, xe đạp chỉ để tặng thôi.
Về sau, quen mấy cô ở Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, anh Thái đem xe tập kết tới trụ sở chi hội, nhờ chi hội làm cầu nối trao tặng. Có lần chi hội tổ chức tặng vài chục chiếc xe đạp cho học sinh. Khi giới thiệu người trao tặng, mọi người ai cũng bất ngờ khi thấy mạnh thường quân là anh thợ sửa xe chân tay, quần áo còn vương mùi dầu nhớt, đôi dép nhựa tổ ong cũng đen kịt dầu nhớt. Ít ai ngờ cuộc sống của mạnh thường quân không mấy khá giả. Tiệm sửa xe cũng là nơi ở của gia đình tại đường Hồng Lạc, Tân Bình được thuê giá 4 triệu đồng/tháng. Anh hồ hởi khoe chủ nhà rất thương tình, đã nhiều năm nay không tăng giá. Tiệm không quá 10 m2, phía dưới làm tiệm sửa xe máy. Phía trên gác là chỗ nấu nướng, sinh hoạt của cả gia đình gồm ba cậu con trai và một cô con gái chưa đầy năm.
Từ khi sinh con gái, vợ anh Thái tạm nghỉ ở nhà trông con, mọi chi tiêu cho gia đình nhỏ đều gồng gánh vào vai anh. Nhưng anh vẫn tiết kiệm, dành ra khoản tiền mua phụ tùng cũ, lắp ráp xe đạp gửi cho Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông đều đều.

“Tiền bạc biết bao nhiêu cho đủ hả chị. Thôi thì mình tiêu pha trong khoản mình có. Có gì dùng nấy. Quan trọng là sức khỏe và gia đình hạnh phúc thì mình đã có rồi. Thì giờ rảnh rỗi ngồi không chi cho buồn, thôi thì làm việc gì giúp được người khác cho cuộc đời nó vui” - anh Thái bộc bạch giản dị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét