Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Đạo đức & Tâm Linh cho Phát triển doanh nghiệp

Đạo đức & Tâm Linh cho Phát triển doanh nghiệp


Nguyên tắc 40/ 60 cho thành công bền vững
Trong buổi thuyết giảng của Thượng Tọa Thích Chân Quang về chủ đề “Đạo đức & Tâm Linh cho Phát triển doanh nghiệp” tổ chức tại Thiên đường Bảo Sơn, với sự tham gia hơn 500 người, với sự có mặt của nhiều doanh nhân và doanh nghiệp. Qua buổi nói chuyện này học được rất nhiều đơn giản nhưng ý nghĩa rất lớn, xin chia sẻ với các anh chị.
Nguyên tắc 40/60 cho thành công bền vững

Để doanh nghiệp thành công cần hội tụ nhiều yếu tố, bao gồm sự thuận lợi về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, bãn lĩnh và tài năng của người chủ doanh nghiệp. Nhưng trong phạm vi buổi nói chuyện, thượng tọa chỉ chia sẻ lăng kính của Phật giáo về sự thành công cho doanh nhân dưới yếu tố mờ, là đạo đức và tâm linh.
Khi mở doanh nghiệp, phần lớn doanh nhân đều dự đoán về sự thành công của doanh nghiệp thì mới quyết định đầu tư. Nhưng không phải ai cũng thành công, mọi sự dự đoán có chính xác nhất cũng chỉ đạt đến 40%. Chúng ta lên kế hoạch cho con thuyền doanh nghiệp đi đến cảnh A để bốc hàng, sau đó đi đến chỗ B để tránh báo, đến cảng C để giao hàng, quay về D để sửa chữa bảo dưỡng, mặc dù lên kế hoạch chi tiết, tính toán cặn kẽ và đưa thuyền ra khơi, nhưng không phải mọi thứ đều như chúng ta nghĩ, có thể đến A thì không có chỗ vào, chưa đến B thì cơn bão đến sớm hơn một chút, nhiều khi hết nhiên liệu trước khi đến C và… tức là trong cuộc sống còn có những điều không lường trước, đôi khi chính yếu tố may mắn lạ kỳ, mà chúng ta không hay biết, lại giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, giúp con thuyền cập bến. Vậy 60% còn lại của sự thành công là điều không nhìn thấy, nhưng nó có tác động. Để nằm chắc được thành công hơn cần tác động, củng cố và gia tăng thêm yếu tố mờ đóng góp 60% này.
Đạo đức là nhân quả

Nguyên lý nhân quả là nguyên lý phổ biến trong vũ trụ và được thừa nhận ở cả phương Đông và phương Tây. Trong vật lý, chúng ta giải thích đơn giản là khi tác động một lực thì sẽ có một phản lực quay trở lại. Khi chúng ta đấm vào mặt người khác, thì cảm giác đau tay là do có một phản lực tác động ngược trở lại. còn trong đời sống xã hội, nguyên lý nhân quả là gieo gì thì gặt nấy. Chúng ta gieo hạt nào chúng ta sẽ có quả như vậy. Tất cả những điều xảy đến với chúng ta thì kết quả của những điều chúng ta đã gieo. Sự may mắn hay đen đủi, khó khăn hay thuận lợi xuất hiện đều có nguyên nhân của nó.
Các cụ gọi những điều may mắn, điều thuận lợi là Phúc. Và nói rằng có Phúc thì mặc sức mà ăn là thế. Phúc ở đây được hiểu là những kết quả may mắn, thuận lợi dành cho chúng ta, là kết quả của những điều tốt chúng ta làm từ trước đó. Có người Phúc lớn, có người Phúc nhỏ. Thường làm chủ doanh nghiệp là bản thân phải có Phúc kha khá trở lên. Doanh nhân thành công lớn thì được hiểu là Phúc họ lớn.
Thông thường thì chúng ta sẽ nhìn thấy mọi việc thành công đều do mình cả. Câu chuyện hay nghe như sau. Có người bạn chỉ cho lô đất, sau khi mua vào và để khoảng 10 năm. Cuối cúng bán đi được lãi gấp 30 lần. Chúng ta thấy hầu hết là đều do chúng ta làm từ đầu đến cuối. Nhưng, nhìn sâu ra, thì tại sao người chủ miếng đất lại bán cho mình. Nếu họ không bán đi thì 10 năm sau, người có vài triệu usd đó không phải là mình. Điều này được lý giải là 60% của kết quả đó là do Phúc của mình được vài triệu usd đó, còn Phúc của người kia được nhận chỉ vài nghìn. Như vậy khi chúng ta khai tác 60% yếu tố đạo đức và tâm linh này sẽ nâng cơ hội may mắn và làm cho sự thành công vững chắc hơn.
Tạo Phúc để bảo vệ bản thân & doanh nghiệp

Những điều đã xảy ra thì không thay đổi được. Có người được sinh ra trong gia đình giàu có (loại I), đã có nhà cao cửa rộng để ở, nhưng cũng có người đẻ ra trong gia đình phải chạy ăn từng bữa, chỉ có nhà tranh vách đất che thân( loại II). Nhưng kết quả cuối cuộc đời thì cũng có thể người được sinh trong gia đình loại I nhưng kết thúc ở loại II và ngược lại người bắt đầu rất khó khăn nhưng kết thúc lại ở đỉnh cao.
Đầu tiên để tạo Phúc chính là sự tu dưỡng bản thân. Sự tu dưỡng bản thân, hay chúng ta được học theo từ hiện đại hơn là phát triển bản thân (personal development). Để đảm bảo cho sự thành công bền vững thì sự tu dưỡng bản thân về mặt đạo đức, nhân cách, kiến thức đóng góp rất lớn cho sự phát triển doanh nghiệp. Phúc cũng giống như tiền, nếu chúng ta phung phí thì chúng ta sẽ không còn để dùng. Một số doanh nhân sau khi thành công bắt đầu khệnh khạng, khoe khoang, tiêu xài hoang phí, ví dụ như dùng hàng xa xỉ, ăn nhậu vô độ, có những bữa ăn mà có thể gia đình khác sống được trong 3 tháng. Những sự hoang phí, xa xỉ, khoe khoang, kiêu ngạo đó làm chúng ta tổn phúc đi rất nhiều. Và lý giải tại sao nhiều doanh nhân sau một giai đoạn thành công thì bắt đầu đi xuống do sử dụng hết Phúc.
Tu dưỡng bản thân về trí tuệ, đạo đức giúp chúng ta biết cách tái đầu tư phúc để tiếp tục có Phúc nhiều và lớn hơn. Khi chúng ta thành công, có nhiều tiền, danh vọng, quyền lực và ảnh hưởng có nghĩa là có Phúc, nếu chúng ta sử dụng sai thì sẽ mất đi, nhưng nếu dùng đúng thì lại đem đến nhiều hơn.
Một số điều giúp doanh nhân tạo phúc. Một là cung cấp sản phẩm & dịch vụ có lợi cho người sử dụng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu về khi cung cấp sản phẩm & dịch vụ tốt với giá rẻ là đem lại lợi ích cho người hưởng thụ thì chắc chắn là doanh nghiệp đó có nhiều cơ hội thành công hơn so với doanh nghiệp bán sản phẩm tệ với giá cao hoặc bằng.
Thứ hai là giúp đỡ những người rơi vào khốn cùng. Việc bố thí cho tiền cũng không phải lúc nào cũng có phúc, ví dụ khi chúng ta mang tiền bỏ vào hòm công đức hay quyên góp cho quỹ từ thiện, nhưng nếu số tiền này chưa sử dụng hoặc có sử dụng mà sai thì chúng ta cũng không có Phúc hoặc có thì cũng rất ít. Đừng tưởng rằng, mang tiền đến cúng tiến cho chùa, cho đình thì đã hoàn toàn là có phúc thì thực chất là phải có người sử dụng nó thì khi đó với tạo ra giá trị. Thượng tọa có nói ví dụ sau, rất nhiều doanh nhân mang tiền đi cúng tiến để xây chùa thì cũng chưa chắc đã có phúc, vì ngôi chùa đó có nhiều người đến không, có nhiều người sử dụng ngôi chùa đó không? Nếu nhiều thì phúc được nhân lên nhiều lần, nhưng ít hoặc không có thì cũng sẽ tương ứng ít phúc. Khi chúng ta giúp những người khốn cùng, khó khăn là điều chắc chắn có phúc vì họ sử dụng được ngay và các cụ có nói là một miếng khi đói bằng một gói khi no là vì vậy.
Thứ ba là giúp đỡ về học đạo đức. Giúp người khác một miếng ăn thì họ ăn qua con đói, xong rồi có thể sau khi no họ lại làm điều sai thì chúng ta cũng bị nối giáo cho giặc. Nên ngoài việc giúp về miếng cơm manh áo thì giúp về đạo đức, cho họ biết cách sống, cách tu nhân, tích đức là những điều mà họ có thể mang theo cả đời. Khi đó giá trị và hiệu quả của sự giúp đỡ sẽ rất lớn.
Liên hệ trong doanh nghiệp cũng vậy, nếu người chủ doanh nghiệp cho họ công việc, đảm bảo an toàn công việc, thu nhập hàng tháng, thì đã một việc có phúc, nhưng nếu hơn thế nữa, dạy được cho nhân viên mình cách sống, cách tu dưỡng đạo đức thì chủ doanh nghiệp còn phát triển nhiều lần nữa. Rất nhiều người nhân viên sau khi làm việc ở một doanh nghiệp, họ không chỉ học được kiến thức mà còn học được nhân cách, đạo đức, phẩm chất của người chủ thì khi họ đứng ra làm chủ họ thành công thì phúc của người chủ cũ lớn hơn rất nhiều lần và nhiều khi họ nhớ ơn người chủ cũ suốt đời. Nhưng có những ông bà chủ thì sòng phẳng, làm nhiều thì được ăn nhiều, làm ít được ăn ít thì cũng tốt, nhưng không gây được ảnh hưởng và không gieo được vào lòng người nhân viên mình sự cảm phục, sự trung thành. Vì tiền mua được sự phục vụ nhưng không mua được trung thành.
Như vậy muốn doanh nghiệp thành công bền vững, doanh nhân cần phải tu dưỡng, phát triển bản thân để tích phúc cho các chặng đường tiếp theo.
Cống hiến nhiều hơn thụ hưởng

Đậy là bí quyết thượng tọa nhấn mạnh. Nếu tâm niệm một điều thì chỉ cần tâm niệm điều này. Luôn sống làm sao để phần cống hiến của mình nhiều hơn những điều mình thụ hưởng thì phúc sẽ được tích lũy và bồi đắp từng ngày. Nhìn dưới góc độ doanh nghiệp có nghĩa là hiệu quả tăng và chi phí giảm. Khi tăng hiệu quả lên và giảm chi phí đi thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận. Còn con người thì tăng sự cống hiến lên và giảm hưởng thụ đi thì sẽ phát triển bền vững. Đây là bí quyết thượng tọa muốn nhắn nhủ cho doanh nhân, những người quan trọng với sự ổn định kinh tế của đất nước, xã hội. Điều này giúp cho doanh nhân có được sự bảo vệ, gia hộ của phúc. Luôn cống hiến nhiều hơn thụ hưởng.
Mỗi ngày đều trả lời câu hỏi, hôm nay mình đem lại lợi ích gì? Khi đó chúng ta sẽ luôn tìm cách để tạo phúc, đem giá trị cho những người xung quanh. Thượng tọa có nói về một doanh nhân ở miền nam cách đây 20 năm có tài sản rất lớn, đã bị tử hình rồi. Công thức phát triển mở rộng của ông như sau. Có một tài sản, ông đi thế chấp vay ngân hàng, rồi lấy tiền đó lại mua tài sản khác, sau đó lại thế chấp, mua tài sản thứ hai, và tiếp tục nhự vậy. Tất nhiên là kèm theo một số mưu mẹo để tài sản được định giá cao hơn thực tế để ông có thể vay được nhiều tiền, chắc chắn phải hối lộ để có thể làm được điều đó. Và ông mở rộng rất nhanh chóng, nhưng cuối cùng thì sụp đổ còn nhanh chóng hơn. Kết thúc cuộc đời là bản án tử hình. Điều này lý giải là Phúc của ông là 1, nhưng ông đã mượn Phúc để trở thành 2 tài sản mà thực chất là ông mới chỉ xứng đáng có một thôi. Tức là ông đã được thụ hưởng nhiều hơn cái thực sự có của mình. Cách đây 20 năm mà làm được chuyện này thì được coi là thông minh, sáng tạo, táo bạo. Nhưng đứng dưới luật nhân quả công bằng thì ông sẽ phải trả lại.
Thượng tọa nhắc nhở là hãy cẩn trọng trong việc đi vay và nói vui ngoài thêm là bây giờ ngoài nghiện ăn, mặc, chơi game thì còn một loại nghiện là nghiện đi vay. Vì đi vay thì cẩn hứa vài câu là có tiền để xài rồi, nên một số người cho rằng đây là cách dễ dàng để kiếm tiền nhưng hãy coi chừng. Vì vay thì phải có lãi, nên càng vay nhiều thì càng tổn phúc nhanh hơn. Các trường kinh doanh đều dạy về dùng đòn bẩy tài chính, nhưng đòn bẩy tài chính cũng có tác hại của nó. Nên ông bà ta có câu dạy là “liệu cơm gắp mắm”. Làm việc, mở rộng trong khả năng của mình thôi, trong phúc của mình thì mới bền, có thể chậm nhưng chắc chắn và vững bền.
Kính trên trọng dưới

Để làm doanh nhân cần có một loại Phúc là được người khác kính trọng. Khi làm chủ mà không sai được nhân viên thì không phải là chủ. Mà để sai được người khác thì phải có Phúc là được người dưới kính trọng. Nhân quả của việc kính trọng đó là khi chúng ta kính trọng người khác thì quay trở lại người khác mới kính trọng mình. Lỗi lầm hay mắc phải đó là chúng ta rất dễ kính trọng người hơn ta và không kính trọng người dưới ta. Kính trọng người hơn ta về tiền, quyền, … thì quá dễ hiểu. Nhưng kính trọng được người dưới ta mới là khó và đây chính là yếu tố để tạo Phúc về kính trọng.
Không phải tự nhiên mà các trường học đời xưa nói đến tiên học lễ hậu học văn. Người học trò muốn giỏi thì phải lễ phép, tôn trọng thầy cô thì mới học được. Con cái phải học cách lễ phép, tôn trọng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nếu đứa trẻ vô lễ, không tôn trọng ông bà, cha mẹ thì đứa bé đã gây ra một loại quả là sau này nó cũng bị coi thường. Vì nó coi thường những người xung quanh như cha mẹ, ông bà thì nó sẽ sau này nó cũng sẽ bị người khác coi thường.
Tại sao ở các nước Phương Tây, hoặc Mỹ hiện nay rơi vào khủng hoảng, thất nghiệp thì thượng tọa có nói chuyện là một phần nhân quả do giáo dục của họ, 30 năm trước đứa trẻ được dạy về sự tự do, gọi bố, mẹ, ông bà, đều I (Tao, Tôi) và You (Mày, Ông), hoặc nó được quá nhiều tự do, đôi khi bố mẹ không có quyền đánh con cái ngay cả khi nó vô lễ, hoặc không tuân theo lời dạy bảo. chính kiểu giáo dục này đã làm tổn hại đến Phúc của nó. Nếu nó không biết tuân lệnh, hay vâng lời sau này nó cũng gặp lại chuyện bị người khác không tuân lệnh, không vâng lời thì làm sao nó có thể thành công, hay được người khác kính trọng.
Doanh nhân cần học cách tôn trọng và kính trọng cả những cấp dưới của mình. Vì trong xã hội ngày nay, đôi khi những người cấp dưới về một mặt chuyên môn nào đó thì họ có thể có bằng cấp, kiến thức sâu hơn cả ông bà chủ. Nên khi người chủ ngày nay cần có cả sự tôn trọng, kính trọng cấp dưới thì sự xáo trộn nhân sự trong doanh nghiệp mới ít xảy ra. Sự đổ vỡ, bỏ việc, nhiều lúc đến do nhân viên không còn tôn trọng người chủ của mình.
Mục đích của doanh nghiệp & Lý tưởng của doanh nhân

Theo ý kiến của thượng tọa, mục đích của doanh nghiệp và điều làm doanh nhân có ý nghĩa là họ tạo ra công việc, họ đem lại sự an toàn cho đời sống của người lao động. Đó là mục đích tối cao của doanh nghiệp. Người chủ doanh nghiệp lớn sẽ nhận trách nhiệm lớn, họ tự nhận cho mình trách nhiệm về cuộc sống của người khác, về gia đình của người khác.
Lý tưởng của người doanh nhân là tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm chất lượng hơn. Điểm này thì hoàn toàn tương đồng với tư tưởng của Robert Kiosaki & Donald Trump trong cuốn sách Midas Touch có nói và hai ông triệu phú này đều chia sẻ là mục đích, mục tiêu cốt lõi nhất của doanh nhân, chủ doanh nghiệp làm gì cũng thành công là tạo ra công ăn việc làm. Những doanh nhân bình thường thì chỉ nghĩ về lợi ích, cổ phần của mình, còn những doanh nhân ở cấp độ cao hơn thì họ nghĩ nhiều hơn cho doanh nghiệp của họ, họ biết quan tâm đến khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư hơn thế nữa là họ quan tâm đến giúp cho cả doanh nghiệp khác, cho lĩnh vực họ tham gia và cao hơn nữa là cho đất nước cho quốc gia.
Chúc các bạn luôn THB (Thành công + Hạnh phúc + Bình an!)

https://www.facebook.com/NguyenManhHungthaihabooks/posts/222559874539729

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét